Nhà máy Sô-đa Chu Lai tuyển dụng hàng trăm lao động sau thời gian dài đóng cửa
Sau nhiều năm ngừng hoạt động, Nhà máy Sô-đa Chu Lai đã hoạt động nhộn nhịp trở lại. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Vừa sản xuất, vừa tìm người
Đường vào Nhà máy Sô-đa Chu Lai bao năm vắng vẻ, đìu hiu nay rộn ràng rở lại. Bên trong nhà máy, đội ngũ kỹ sư, công nhân tất bật với công việc để cho ra sản phẩm đầu tiên. Có thể nói đây là giây phút mong chờ nhất của chủ doanh nghiệp cũng như hàng trăm công nhân là người địa phương. Bởi nhà máy đóng cửa quá lâu cũng là thời điểm đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân mất việc, phải bôn ba tìm việc nhiều nơi.
Là một kỹ sư vừa mới ký hợp đồng thử việc với Công ty, anh Nguyễn Mỹ, trú tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, với mức lương khởi điểm là 12 triệu đồng/ tháng, mức thu nhập này đối với kỹ sư mới ra trường có thể nói là tạm ổn. Những người gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập, sau thời gian dài mất việc, nay quay trở lại làm việc được hưởng mức lương cao hơn, có người ký hợp đồng dài hạn với mức lương 20 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm này, Công ty CP Sô-đa Chu Lai có nhu cầu tuyển dụng hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân vào làm việc. Để đáp ứng đầy đủ nhân sự cho các dây chuyền sản xuất, Công ty cần ít nhất 500 người. Khó khăn hiện nay là đội ngũ kỹ sư lành nghề gần như rất khó tìm. Công ty đã lên kế hoạch liên kết với các trường Đại học trong vùng để đào tạo đội ngũ này đáp ứng nhu cầu vận hành lâu dài.
Công ty CP Sô-đa Chu Lai có nhu cầu tuyển dụng hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân vào làm việc. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Bà Vũ Thị Hồng Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sô-đa Chu Lai cho biết, năm 2021, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Tân Tiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Sô-đa Chu Lai, tất cả những vấn đề liên quan đến tuyển dụng nhân sự cũng như nợ lương công nhân trước đây đều được các bên tập trung giải quyết.
“Đối với những em học hết lớp 12 mà chưa có việc làm, mong được vào đây làm việc, từ cơ khí cho đến bộ phận tự động hoá, điện… Công ty sẽ đứng ra mời các trường Đại học vào đây liên kết đào tạo, sau đó cấp chứng chỉ hành nghề. Quá trình dạy là từ lý thuyết đến thực hành tại nhà máy. Như vậy, các em sau khi được đào tạo sẽ bắt tay vào làm việc ngay. Bước đầu, Công ty đã liên kết đào tạo với trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ liên kết với trường nghề tại Khu Kinh tế Dung Quất để đào tạo cho công nhân”, bà Bích nói
Ngoài ra, đối với các khoản nợ lương công nhân sau khi nhà máy đóng cửa, HĐQT Công ty chỉ đạo cho các bộ phận tiến hành rà soát danh sách những ai còn nợ để chi trả, với chủ trương chung là không thể kéo dài tình trạng nợ lương công nhân gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của nhà máy.
Được biết, trong tổng số hơn 500 người mà Công ty đang tuyển dụng có khoảng 100 kỹ sư. Đội ngũ này được hưởng mức lương từ 18 đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Công nhân được nhận vào làm việc tại nhà máy tuổi đời từ 30 đến 50 tuổi, làm việc tại các phân xưởng đóng gói, lao động tạp vụ, vệ sinh môi trường. Tuỳ theo từng bộ phận được trả các mức lương khác nhau. Ví dụ như phân xưởng đóng gói được xem là công việc nặng nề nhất ở nhà máy thì được trả lương cao hơn các bộ phận khác. Bình quân thu nhập của mỗi công nhân làm việc tại nhà máy từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.
Công ty “chết đi, sống lại”
Năm 2009, Công ty CP Sô-đa Chu Lai được tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư, quy mô nhà máy sản xuất sô đa công nghiệp, công suất 200.000 tấn/ năm. Năm 2010, Công ty bắt đầu triển khai xây dựng. Năm 2014 và 2015, nhà thầu Trung Quốc tiến hành lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm, sau đó bàn giao cho Công ty CP Sô-đa Chu Lai.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm thì bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường. Tháng 2/2016, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra nhà máy và phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt số tiền 730 triệu đồng. Thời gian này, chính quyền và ngành chức năng địa phương có nhiều văn bản yêu cầu Công ty khắc phục sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, nhà máy dừng hoạt động. Theo đó, các khoản nợ ngân hàng cũng không ngừng tăng lên.
Toàn cảnh Nhà máy Sô Đa Chu Lai tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Đến tháng 6/2022, tại Công ty CP Sô-đa Chu Lai, đại diện Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ngân hàng Agribank, PvcomBank cùng các bên phải thi hành án là Công ty CP Sô Đa Chu Lai và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Tân Tiến cùng ký biên bản xác nhận, chấp thuận phương án cho Công ty Tân Tiến quản lý, vận hành, kinh doanh nhà máy Sô-đa Chu Lai, tạo nguồn thu và các khoản nợ vay. Trên cơ sở đó, Công ty đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện để nhà máy hoạt động trở lại.
Bà Vũ Thị Hồng Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sô-đa Chu Lai cho biết, đến nay, toàn bộ hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư mới, với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Hiện nay, toàn bộ nước thải chưa thải ra môi trường. Khi nào kiểm tra đạt tiêu chuẩn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì mới được xả”, bà Bích khẳng định.
Được biết, nếu vận hành “trơn tru”, mỗi tháng Công ty đạt doanh thu cả trăm tỉ đồng. Thời gian trả nợ dự kiến là 21 năm.
Nhu cầu tuyển dụng ngành chăm sóc sắc đẹp tăng cao Ngành chăm sóc sắc đẹp là ngành dịch vụ bao hàm rất nhiều nghề khác nhau như làm nail, phun xăm, nối mi, make up, ... |
Công ty TNHH Yakult Việt Nam tuyển dụng nhân viên tạo chai/sản xuất tại Bình Dương Công ty TNHH Yakult Việt Nam tuyển dụng nhân viên tạo chai/sản xuất. Tốt nghiệp chuyên ngành thực phẩm hoặc điện hoặc thực phẩm/công nghệ ... |