Lao động, việc làm và những vấn đề thách thức đang đặt ra
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023. Ảnh: CTV. |
Thị trường lao động: Nhiều rủi ro, thách thức
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, lao động là yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thanh, khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh 3 thách thức lớn trong lĩnh vực lao động, việc làm, đó là: Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau, việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao. Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo. Ngoài ra, nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh lãi suất cao khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu của năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, theo nhận định của lãnh đạo Cục Việc làm, mặc dù thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Có thể kể đến là vấn đề chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Minh chứng là số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2022, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,2%), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường.
Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Một tồn tại lớn khác là thị trường lao động trong nước vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.
Người lao động tìm hiểu về cơ hội việc làm. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Trà Vinh là một trong những tỉnh làm tốt được cung - cầu lao động dù tỉnh này không có nhiều doanh nghiệp. Đó là nhờ Trà Vinh có chính sách hỗ trợ tốt, người lao động xuất khẩu được cho vay 150 triệu đồng và nguồn ngân sách tỉnh đưa qua năm nay là 50 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm… nên đã cung ứng được nhiều lao động xuất khẩu, giới thiệu được nhiều việc làm tốt - Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết. |
Phải có quyết tâm và hành động quyết liệt hơn
Chính phủ đặt ra mục tiêu từ 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 6,5% -7%/năm, để làm được điều này, năm nay chính phủ đã ra Nghị quyết 06/ NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội với rất nhiều nội dung trực tiếp về lao động việc làm, nhằm hỗ trợ đảm bảo an sinh.
Để thực hiện được các mục tiêu Chính phủ đề ra, theo ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng thị trường lao động nội dung rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động sẽ giúp các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được cung - cầu, những biến động để phân tích, dự báo sát; xây dựng hợp lý chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ, kế hoạch, giải pháp, cũng như các cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp, tư nhân phát triển… Thông qua đó, doanh nghiệp nắm bắt được để có kế hoạch xây dựng dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động và người lao động biết được nhu cầu, việc làm phù hợp. Do đó, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động bảo đảm độ tin cậy, phát huy hiệu quả.
Hiện Cục Việc làm đang tiến hành xây dựng và đề nghị các địa phương sớm triển khai đề án này. Các địa phương cũng cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông với nhau, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường, chuyên gia để xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đảm bảo độ tin cậy, đồng thời phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu.
TP. HCM: Doanh nghiệp cắt giảm lao động hàng loạt tiềm ẩn bất ổn về an toàn xã hội Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. HCM cảnh báo, thời gian tới, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã ... |
Sôi nổi Chương trình nữ công nhân lao động “Tự tin- Năng động - Sáng tạo” ở Đắk Lắk Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày 4/3, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình ... |
Tin vào “việc nhẹ lương cao”, 9 lao động ở Quảng Trị phải đưa tiền chuộc mới được về Sau khi được một công ty môi giới đưa vào Lâm Đồng làm “việc nhẹ lương cao”, 9 lao động trú tại xã Lìa (huyện ... |