Thừa Thiên Huế: Các doanh nghiệp ngành Du lịch có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Trong 3 tháng đầu năm, trên các trang tuyển dụng dành riêng cho lĩnh vực dịch vụ du lịch, rất nhiều khách sạn đăng thông tin tuyển dụng với nhiều vị trí khác nhau. So với trước đó, nhu cầu tuyển dụng chỉ rơi vào một số khách sạn đơn lẻ và mỗi đơn vị chỉ tuyển khoảng 3 - 5 lao động, thì nay có khách sạn có nhu cầu hơn 20 lao động.
Lao động có tay nghề đang được các doanh nghiệp ngành Du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế tìm kiếm. Ảnh: THIÊN SƠN |
Qua tìm hiểu, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều nhất vào các khách sạn từ 3 - 5 sao, như tại Khách sạn Silk Path Grand Hotel & Spa Huế có nhu cầu tuyển dụng ở 11 vị trí với số lượng gần 20 lao động; tại Khách sạn Melia’ Vinpearl Huế tuyển ở 5 vị trí với hơn 10 lao động; tại Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương đăng tuyển dụng 6 vị trí với số lượng cũng hơn 10 lao động; Khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill Resort & Spa tuyển dụng 11 vị trí với 15 lao động; Khách sạn Indochine Palace tuyển 6 vị trí với 8 lao động…
Các vị trí tuyển dụng tại các cơ sở lưu trú tập trung nhiều ở bộ phận lễ tân, bảo vệ, bảo trì, nhân viên bể bơi, nhân viên pha chế, nhân viên phục vụ… Đặc biệt, là nhiều vị trí liên quan đến bếp và ẩm thực như: Bếp trưởng điều hành, bếp phó điều hành, tổ trưởng tổ bếp Âu, nhân viên bếp món Âu - Á...
Là đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động, ông Lê Ngọc Thái Dương, Quản lý Khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill Resort & Spa cho biết, lý do mà khu nghỉ dưỡng tuyển dụng nhiều vị trí liên quan đến ẩm thực, nhất là ẩm thực Âu - Á là xu hướng các thị trường khách này đang dần trở lại Huế tốt hơn.
“Để thu hút lao động, khu nghỉ dưỡng đưa ra nhiều chính sách mới, hấp dẫn hơn so với trước. Bên cạnh áp dụng các chính sách, tham gia đầy đủ bảo hiểm theo quy định; nghỉ phép năm, lễ, Tết; thưởng cuối năm, các ngày lễ, Tết; các chế độ phúc lợi đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ… thì khu nghỉ dưỡng áp dụng thêm phụ cấp kinh phí bữa ăn theo ca, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh và vui vẻ để tạo cảm hứng làm việc cho người lao động”, ông Dương cho biết thêm.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, du lịch chuẩn bị bước sang mùa cao điểm du lịch hè. Đây cũng là thời điểm cho thấy khách quốc tế đang lựa chọn Việt Nam nhiều hơn. Các hãng lữ hành lớn ở hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đang dần khôi phục hoạt động và ký gửi khách tour đến Huế. Tín hiệu phục hồi đang ấm dần nên doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng để đáp ứng được nhu cầu mới.
Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động chất lượng
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, thông thường, kể cả thời điểm trước dịch, sau mỗi kỳ nghỉ tết Nguyên đán luôn có sự biến động lớn về nguồn lao động. Hiện, đa số khách sạn đều tăng cường tuyển dụng, nhu cầu tăng đột biến; trong khi đó, nguồn lao động không có nhiều nguồn cung ứng mới nên các doanh nghiệp đang rất khó tuyển dụng được lao động.
“Đặc biệt, sau Covid-19, nguồn nhân lực có tay nghề cao của ngành Du lịch đã bị dịch chuyển sang các ngành nghề khác, cũng như các địa phương khác, nhân lực tay nghề cao tại Huế đang thiếu hụt”, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định.
Năm 2023, ngành Du lịch đang được phục hồi, tổng số lượng lao động trực tiếp trong ngành phải đạt 8.000 - 9.000 người. Ảnh: THIÊN SƠN |
Bà Đinh Thị Xuân Thanh, Tổng Giám đốc Khách sạn Midtown Huế cho biết, bên cạnh thiếu nguồn kinh phí hoạt động, sự hỗ trợ vốn vay của ngân hàng còn hạn chế thì doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực.
“Do đội ngũ nhân lực ngành du lịch cũ đã chuyển nghề dẫn đến các doanh nghiệp phải tuyển lại lao động mới, nhưng lực lượng này còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tay nghề chưa cao. Trong khi đó, số sinh viên mới ra trường thì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không lựa chọn ở lại Huế”, bà Thanh nói.
Còn ông Hồ Đặng Xuân Lân, Tổng Giám đốc Khách sạn Parkview thì cho rằng, sau đại dịch, nhu cầu và thói quen của khách du lịch có sự thay đổi lớn. Do đó, các doanh nghiệp du lịch gần như phải “khởi nghiệp” lại, phải thay đổi tư duy phục vụ thì mới đáp ứng được.
Theo thống kê của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế, vào thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, toàn ngành có hơn 14.000 lao động trực tiếp và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Đến cuối năm 2022, sau khi đại dịch xảy ra thì chỉ có khoảng 30 - 40% lao động quay trở lại nghề; nhiều nhân sự cao cấp, trung cấp trong ngành giờ đã ổn định với công việc mới. Dự kiến trong năm 2023, ngành du lịch sẽ đón 3 - 3,5 triệu lượt khách nên tổng lao động trực tiếp trong ngành phải đạt 8.000 - 9.000 người mới đáp ứng được chất lượng các dịch vụ.
Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu vận hành, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chủ động phối hợp với Sở Du lịch, các trường đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và trình độ quản lý cho cán bộ và nhân viên các đơn vị, doanh nghiệp hội viên. Trọng tâm là các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và kinh doanh trên từng lĩnh vực hoạt động du lịch để thích ứng với hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Công đoàn A Lưới: Nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Quốc tế phụ nữ Việt Nam Để chào mừng kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2023), các cấp công đoàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên ... |
Kê khai sai thuế, Tập đoàn C.E.O bị phạt gần 58 triệu đồng Ngày 7/3/2023, Cục thuế TP.Hà Nội đã ra quyết định phạt tiền với Tập đoàn C.E.O tổng cộng gần 58 triệu đồng. |
Cần có chính sách để NLĐ thu nhập thấp được vay tiền để thuê, mua NƠXH Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án Đầu tư ... |